Đại gia đình doanh nhân Đường Thu Hương: Tình yêu còn mãi
Người đầu tiên tôi gặp khi bước vào “bản doanh” của doanh nhân Đường Thu Hương không phải là nữ chủ nhân xinh đẹp, nổi tiếng sắc sảo, tự tin trong giới doanh nhân Việt mà là chị cả của chị – Đường Thu Vân vừa từ Mỹ về thăm quê.
Thấy khách, chị Vân niềm nở mời tôi ngồi. Vén chiếc đầm dạ hội dài quét đất, chị đi lấy nước. Lúc đó chị mới từ tốn bảo: “Em tìm Thu Hương hả? Dì út đang trên lầu thay đồ. Để chị gọi Hương xuống”.
Nhà lớn nhưng không lạnh
Thay vì xuống phòng khách, chị Hương mời tôi lên lầu. Thì ra chị đang bận lục trong mấy chiếc vali bộ đầm dạ hội đẹp nhất cho mẹ, cho ba, chuẩn bị buổi chụp ảnh. Chị trải trên giường 5–6 bộ ưng ý nhất, rồi bảo mẹ: “Mẹ ưng cái nào nhất thì chọn nhé” rồi phân bua: “Giờ đến lượt chị đi lục đồ đây. Chị mới chuyển nhà nên chưa sắp xếp đồ ra được. Em ngồi nói chuyện với mẹ, chờ chị chút nhé”. Bước ra khỏi phòng, chị không quên mở máy lạnh để khách ngồi mát mẻ.
Mẹ chị, bà Nguyễn Thúy Hường, năm nay đã 82 tuổi. Suốt gần tiếng đồng hồ, bà kéo tôi về với chuyện tình lãng mạn của bà và ông thời bom rơi đạn nổ, về những ngày tháng nuôi 4 đứa con trưởng thành đầy khó khăn và về những ngày gần đây, ngày mà tất cả trai, gái, dâu, rể con cháu tụ tập bên bà, cùng đi chơi, cùng có bữa tiệc đại gia đình thật đầy đủ, náo nhiệt.
Đôi mắt bà lấp lánh tự hào: “Gia đình chị Vân, anh Tuấn, anh Hùng đều ở bên Mỹ và thành đạt cả. Hồi ông bà còn ở Mỹ, năm nào nàng út cũng bay sang Mỹ tụ họp gia đình một năm ít nhất 2 lần, mỗi lần 1–2 tuần. Đám con cháu trẻ trâu thì đi trượt tuyết, tắm biển; người lớn nấu ăn, hàn huyên, tán dóc hay shopping. Có khi cả nhà kéo nhau vào casino đánh bài cho vui rồi về. Còn năm nay, ông bà ở Việt Nam với Thu Hương thì các anh, chị và 7 đứa cháu lại về Việt Nam, làm mộ tổ, đi du lịch, tổ chức party gặp mặt anh chị em, đi làm từ thiện… Xa con xa cháu nhưng chẳng bao giờ bà thấy thiếu vắng tình cảm của chúng nó. Đứa nào đứa ấy đều rất tỉ mỉ, chu đáo, yêu thương. Bà tự hào về chúng nó”.
Buổi chụp hình bắt đầu. Có một người đàn ông ngoài 50 cao ráo, rất hay cười, ăn nói nhỏ nhẹ luôn để ý và đáp ứng yêu cầu của tất cả mọi người. Thấy thợ chụp ảnh cứ phải quỳ gối, anh bưng chiếc ghế đến bên: “Em ngồi cho đỡ mỏi”. Thấy stylist đứng hoài, anh liên tục mời mọi người ra bàn ăn trái cây, uống nước, ngồi nghỉ mệt. Thấy mẹ đi đôi giày không hợp, anh chọn đôi giày khác… Anh là Đường Anh Hùng – một trong hai người anh mà doanh nhân Đường Thu Hương tự hào: “Anh ấy di truyền được tất tần tật gien lịch lãm, chu đáo và yêu thương của ba”.
Nói thật, khi bước vào ngôi nhà bề thế nằm ở quận 2 ấy, tôi mang theo cảm giác hơi e ngại: người giàu thường chảnh. Song bước vào rồi, nhìn các thành viên từ lớn đến nhỏ săn sóc lẫn nhau và quan tâm đến khách, nỗi e ngại ấy hoàn toàn biến mất. Một cảm giác gia đình thật ấm áp và ngọt ngào.
Di truyền từ ba mẹ
Chụp xong loạt hình, chị Hương ngồi xuống, giục tôi ăn xôi gà, trái cây. Anh Hùng cắt bánh, đưa tận tay tôi, tươi cười: “Em không thích ngọt nên anh lấy một chút thôi. Em dùng thử đi, ngon lắm, chiếc bánh tình yêu của đại gia đình anh đó”.
Chị Hương khoe: “4 anh chị em thân nhau lắm. Dù chị ở Việt Nam, chị Vân bên Mỹ, ai cũng bận rộn nhưng hai chị em nói chuyện với nhau mỗi ngày. Với anh Tuấn và anh Hùng, 1 tuần phải gọi điện trò chuyện với nhau 2 lần mới chịu được. Các ổng mà không gọi về cho cha mẹ, em gái là chị la lối hai ổng luôn (cười lớn)”.
Trong nhà chị, mỗi người một tính cách nhưng cả 4 anh chị em đều giống nhau ở sự tỉ mỉ, chu đáo, hay để ý và quan tâm đến người xung quanh. Điều đó chẳng ngẫu nhiên có được mà là nhờ cha mẹ. “Ngày trước, ba và mẹ đều là người bảo bọc gia đình, từ anh em ruột đến họ hàng xa gần. Chị quen với việc mẹ gửi tiền về quê giúp đỡ anh, chị, em, họ hàng. Chị từng thấy ba đi xe gắn máy, ôm bia mộ về gắn cho ông bà, thấy mẹ nằm dưới chân giường chăm sóc bà ngoại những ngày ốm đau hay vào bếp nấu mâm cao cỗ đầy phục vụ bạn của chồng mà vẫn luôn vui vẻ, hạnh phúc. Lúc chị còn nhỏ, trời mùa đông Hà Nội lạnh buốt, sợ con lạnh, ba quấn tã quanh người để có tã ấm thay cho con; con đi đến đâu, ba lấy chiếc khăn vắt trên vai lau đến đó. Cuối tuần nào ba cũng cắt móng tay cho con. Bom đạn rơi, người ta kêu ông chui xuống hầm, ông vẫn chạy xe đạp trên đê để về xem vợ con thế nào. Cuối tuần nào, ông cũng lo chở mắm, muối về cho vợ con và để đọc sách cho con nghe.
Tất cả những cử chỉ chăm sóc tỉ mỉ, yêu thương đó sống trong đầu, trong máu 4 chị em, hình thành nên tính cách chung của 4 chị em. 4 chị em cũng rất thương yêu nhau. Nhớ hồi chị Vân bị ruột thừa nặng, anh Tuấn và anh Hùng xin nghỉ việc, thay nhau chăm chị ngày đêm. Năm mươi mấy tuổi rồi, có con lớn rồi vẫn vậy đấy”.
Với chị Vân, chị Hương hay anh Tuấn, anh Hùng, học yêu thương chẳng gì bằng cách yêu thương, bằng cách để tâm và làm những điều mình nghĩ cần phải làm. Đó cũng là cách làm gương, là cách dạy con tốt hơn mọi phương pháp giáo dục ở bất cứ nền văn minh nào.
Theo chị Hương, yêu gia đình, để ý, chăm sóc lẫn nhau một cách tỉ mỉ là những giá trị rất nhân văn trong gia đình mà 4 chị em muốn làm gương để tiếp tục truyền lại cho các cháu. Dù sinh ra ở Mỹ nhưng cả Thu Vi, Triết, Hoàng, Thùy An, Yến Ly, Hiển, Trúc Ly đều có tên Việt Nam, nói tiếng Việt rất khá và rất tò mò tìm hiểu về nguồn cội tổ tiên. Nhìn 7 bạn trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X quấn quýt, đùa giỡn, thân thiết, không ai nghĩ họ là anh em họ và ở rất xa nhau.
Tiếp Thị Gia Đình
https://tiepthigiadinh.vn/dai-gia-dinh-doanh-nhan-duong-thu-huong-tinh-yeu-con-mai/